Nghị định 08/2020/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại
Chức danh Thừa phát lại đã có ở nước ta từ trước đây rất lâu trong suốt thời kỳ pháp thuộc, những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám ở miền Bắc và ở miền Nam cho đến năm 1975. Thừa phát lại là công lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và quản lý, hành nghề trên cơ sở quy định của pháp luật, được hưởng thù lao của khách hàng theo biểu giá quy định; trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của những công chức có trách nhiệm như: Chưởng Lý, Biện Lý, Thẩm Phán, Lục Sự.
Ngày nay, trong bối cảnh cải cách tư pháp, Đảng và nhà nước ta chủ trương thực hiện thí điểm chế định này. Theo quy định hiện hành, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, được nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện một số công việc theo quy định. Hiện nay chức năng của Thừa phát lại gồm có: Tống đạt văn bản; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiêp tổ chức thi hành án. Như vậy, Thừa phát lại có chức năng rộng hơn so với Chấp hành viên cơ quan thi hành án. Vì vậy, nếu gọi là Chấp hành viên tư sẽ không sát.
Về tên gọi “Thừa phát lại” là nội dung đã được thảo luận kỹ trong quá trình xây dựng đề án triển khai và xây dựng các văn bản pháp luật.